Ba đám cưới, một bệnh viện
Thông Tin Truyện
Tên Truyện: Ba đám cưới, một bệnh viện
Tác Giả : Đang cập nhật
Danh Mục: Truyện Teen
Thể Loại: hanh phuc
Ngày Cập Nhật : 04/04/2016
LÀ DO TÔI QUÁ NHẠY CẢM hay bởi vì tôi đã già rồi mà vẫn tưởng mình xì tin, khi cho rằng những người cùng lứa tuổi với mình đang đua nhau lập gia đình quá sớm? Chỉ trong có tám tháng, tôi đã rải phong bì không dưới mười lần, nỗi khổ của người thích được quan hệ nhiều cho rộng. Trong đó phải đến quá nửa các cặp cô dâu chú rể vẫn còn đầu xanh đầu đỏ, mong cho mọi người ăn nhanh rồi về để vợ chồng cháu động phòng.
Hầu như khi bị tôi gặng hỏi, họ đều lấy cùng một lý do: “Bọn tớ/em không thể sống thiếu nhau được nữa, như đôi chim câu chíp mỏ trên đồng cỏ, như hoa hướng dương cần ánh nắng, như vị đắng không thể thiếu trong café, như Buôn Mê phải thuộc về Đắc Lắc…”. Nói tóm lại thì vẫn bản tình ca thắm thiết Yêu là Cưới, để rồi yêu là chết tiền ông bà già vài lít, bởi khi yêu nó thách cưới có ít đâu.
Thế nhưng sau khi giai điệu tèn ten ten ten tèn tén tèn ten kết thúc, những chùm bóng bay đã xịt, thùng phong bì đã chật cứng và bốn chân giường kêu cót két… thì những xung đột bắt đầu lộ ra. Nói đến đây tự nhiên tôi lại muốn so sánh những đám cưới trẻ với các công trình giao thông, sử dụng một thời gian bỗng xuất hiện vết nứt, lúc đấy có tìm nguyên nhân để khắc phục thì sự đã rồi.
Đừng nói tôi bi quan quá đà, cũng không phải tôi ghen tỵ với hạnh phúc người ta. Đành rằng vấn đề gì cũng có hai mặt, đầy đôi trẻ vẫn sống hạnh phúc đến đầu hói răng giả đấy thôi. Nhưng cứ thử nghe qua câu chuyện mà tôi có dịp được làm khán giả bất đắc dĩ sau đây, bạn sẽ hiểu vì sao tôi có cái suy nghĩ tiêu cực đó.
Vào một ngày mây mù âm u, (Tôi thích mở bài bằng chuyện thời tiết) thằng bạn tôi đưa vợ đến bệnh viện nơi tôi đang thực tập để khám thai. Đúng giờ nghỉ trưa rảnh rỗi nên nó kéo tôi ra quán trà đá vỉa hè sát cổng viện để tâm sự. Đàn ông mở lòng nhất là khi ở trong một không gian toàn phe mình với nhau như quán bia, quán game PS3, và nhất là quán trà đá. Thế nên chỉ sau vài câu góp vui, nó đã kịp “kết nạp” thêm hai gã khác cũng đang suy tư bên đĩa hướng dương vào cuộc tâm tình giữa những người đàn ông, dù chẳng ai quen biết ai. Cả ba đều đã có vợ nên coi như tiền bối, được ngồi “chiếu trên”, còn tôi trai tân, người yêu còn chưa có, đành ngậm ngùi ngồi “chiếu dưới” chỉ hóng hớt chứ không dám xía mồm vào.
***
Chàng trai thứ nhất hai mươi hai tuổi, anh ta có xưng tên nhưng tôi không nhớ. Tại sao phải tốn não bộ để nhớ tên một người mà mình có thể không bao giờ gặp lại lần nữa?
Anh ta trắng trẻo, gầy nhom và đeo kính dày cộp nên tôi gọi anh là Trí Thức. Gia đình anh là dân gốc ở làng Láng, nơi có nghề trồng rau húng nổi tiếng đất Hà Thành. Kinh tế phát triển, mấy trường Đại học mọc lên, bố mẹ anh phá sạch ruộng rau để xây dãy nhà trọ cho sinh viên thuê.
Trong số các sinh viên thuê trọ có cô Ngây Thơ, xinh xắn, ăn nói ngọt ngào và hiền hậu khiến ai nấy đều yêu quý. Trái tim Trí Thức đập loạn xạ trước vẻ trong sáng, dịu dàng của cô sinh viên hơn mình một tuổi. Cuối cùng anh cũng hiểu ra rằng tình yêu hấp dẫn hơn môn toán cao cấp và vật lý đại cương. Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, chén rượu đầy uống mãi cũng vơi, đôi nam nữ tài sắc xứng đôi, trai Hà Nội gái tỉnh lẻ, tình trong như đã, mặt ngoài còn e. Cứ đến tối cuối tuần, Trí Thức lại nói dối sang nhà bạn học nhóm, kỳ thực là anh ngồi tâm sự với Ngây Thơ trong chùa Láng. Không gian tĩnh lặng, chỉ có tiếng dế kêu và lửa ma trơi bập bùng từ nghĩa địa bên cạnh làm nhân chứng cho tình yêu trong lành nhất thế gian của đôi bạn trẻ.
Thế rồi một hôm đang trong giảng đường, mắt Trí Thức bỗng chớp liên tục. Đến trưa về nhà, điềm gở đã thành sự thật. Phụ mẫu của anh mặt đỏ gay như con tôm bị hấp cách thủy, Ngây Thơ đang ngồi khóc lóc vang trời, thiếu điều lăn ra giữa nhà mà giãy đành đạch. Nhìn thấy anh, cô nói bằng giọng yếu ớt: “Anh ơi, em… hai vạch rồi”. Bầu trời bỗng nổi mưa giông, sét đánh ngang tai Trí Thức. Chẳng thể trách được đôi bạn trẻ, tình cảm nồng thắm cộng thêm “phong cảnh hữu tình” là đống nhà nghỉ nhiều như quân Nguyên trải dài khắp đường Láng khiến họ đã lỡ có giây phút yếu lòng. Mấy mụ hàng xóm thường ngày bị mẹ anh chửi nay có dịp rêu rao: “Chiềng làng chiềng chạ, Láng Hạ Láng Trung, con ông Rau Húng, tên là Trí Thức , vì ngu chơi gái, làm nó có thai, già trẻ gái trai, ra mà hóng hớt”.
“Con gái tôi bị cả nhà ông bà hãm hại, giờ các người lại còn định bắt nó phá thai à? TÔI SẼ KIỆN!!!”. Ngay ngày hôm sau, bố mẹ và họ hàng Ngây Thơ từ quê ùn ùn kéo lên bắt vạ, làm cả nhà Trí Thức không kịp trở tay. Gia đình anh vốn từ cây húng thơm đi lên, nên rất sợ phải động đến cửa quan. Trí Thức thì vừa lành vừa đụt vừa ba phải, sẵn sàng xuống nước để được hưởng thái bình.
Ngày vu quy, anh ruột của Ngây Thơ uống rượu say lăn quay ra ngủ trên giường cưới, khiến một cuộc hỗn chiến suýt nữa nổ ra giữa gia đình hai bên.
Từ vị trí người thuê trọ leo lên làm con dâu, Ngây Thơ lộ nguyên hình là một con Hồ Ly Tinh. Viện cớ đang mang bầu, Hồ Ly chày mửa tất cả mọi việc nhà, cãi láo bố mẹ chồng và chửi chồng như hát hay. Bà mẹ chồng uất ức mà không làm gì được, đành quay sang giận cá chém thớt bọn sinh viên thuê trọ, ông chồng và thằng con ngu dại.
Sau chín tháng làm bà hoàng, Hồ Ly lâm bồn, hạ sinh một đứa bé da đen xì như cục than, chân tay to như khỉ đột và mặt mũi nhăn nheo như da rắn, tóm lại là chẳng giống Trí Thức tẹo nào. Thế là bố mẹ anh khăng khăng cho rằng con mình bị “đổ vỏ”. Họ đòi xét nghiệm ADN. Cô con dâu cũng chẳng phải tay vừa, sỉ nhục cả nhà chồng là một lũ nông dân, kiến thức không cao hơn ngọn rau húng mà cũng bày đặt đòi khoa học can thiệp. Tức nước vỡ bờ, chàng trai hiền lành cả đời chỉ biết học, chưa từng làm hại đến một con kiến, đã thay mặt bố mẹ dạy bảo vợ bằng một cái tát nổ tung cả Thái Dương Hệ, mặt trời mặt trăng bay lung tung không quỹ đạo. Hiện giờ cô ta vẫn đang nằm viện, miệng không ngừng rên la. Gia đình nhà gái thì dọa kiện lên Ủy ban bà mẹ và trẻ em để “thằng con rể vũ phu phải rũ tù”.
Kể đến đây, Trí Thức trầm ngâm đưa cốc trà đá lên miệng. Không uống mà chỉ nhấp môi, anh đang run sợ khi nghĩ đến cám cảnh đứng trước vành móng ngựa, bị người đời chửi bới.
***
Chàng trai thứ hai mới hai mươi tư tuổi nhưng nhìn như ba mươi có lẻ. Không phải do lao lực vất vả, mà vì hắn chơi bời trác tang quá đà. Từ đầu đến chân hắn toát lên sự tệ nạn và suy đồi, thường chỉ có ở các thanh niên cắn lắc trên sàn. Vậy nên tôi gọi hắn ta là Cơ Trưởng. Bằng một giọng ngái ngủ và đôi lúc ngáo ngơ như bị mất trí nhớ ngắn hạn, Cơ Trưởng kể về cuộc hôn nhân có một không hai của hắn.
Hắn gặp vợ mình trong một lần đi lắc. Cô gái mười tám tuổi xinh đẹp, vừa nứt mắt ra đời nhanh chóng lọt vào mắt xanh chàng thiếu gia con quan lớn. Chàng rủ nàng làm một chuyến dạt nhà xuống Hải Phòng, nơi chỉ có sóng biển, anh, em và ecstasy. Sau mười ngày bay mất xác, cả hai mới chịu “tìm lại xác” về nhà vì hết tiền. Bố cô bé khi biết xuất thân của Cơ Trưởng đã tuyên bố: “Mày về bảo bố mẹ mày sang gặp tao”. Đám cưới diễn ra vô cùng xa hoa với khách mời toàn các ông to bà lớn và cậu ấm cô chiêu. Cô dâu chú rể người gầy như xác ve bước đi còn không vững, nhưng vẫn cố làm cho xong thủ tục. Đêm hôm đó, cả hai “trăng mật sớm” trong một động lắc tại gia.
“Anh mà biết cưới xong có nhiều tiền thế này thì chắc anh phải lấy mấy con vợ rồi”. Cơ Trưởng cười hô hố, nằm lăn lộn trên đống tiền mừng.
Cuộc sống “bình lặng” của họ cứ thế trôi đi, ngày ngủ, đêm thức đủ năm canh đi mây về gió. Cơ Trưởng dạy cho cô vợ mới lớn những “kiến thức” để bay ngất người: “Loại thuốc này mà cắn thì chỉ lên được mười nghìn mét so với mặt nước biển thôi, loại kia mà hít thì đảm bảo toàn ma quỷ với thần thánh hiển linh”… Khi nhạc đang chơi mà nghe thấy câu “Ế-vì-bá-đỳ-giớt-cợp-dó-hèn” thì phải vỗ tay, còn nếu “Pút-dô-hen-in-di-ê” thì đưa cả hai tay lên trời. Nói chung phải nhớ nằm lòng rằng “lên sàn không chỉ để bay, lên sàn còn để đưa tay lên dời”.
Bay lượn lắm cũng có ngày bị máy bay đâm, bị sao chổi quệt phải. Trong một lần làm “khách mời hạn chế” của một tiệc lắc, Cơ Trưởng mải khua chân múa tay theo điệu nhạc “một hai ba bốn, hít thở hít thở hít thở”, trúng mặt một khách mời khác. Hắn bị anh này cùng đàn em nện cho một trận tưởng chết. Cô vợ tuổi teen phải quỳ xuống xin họ tha cho hắn, lúc này vẫn đang say thuốc, chưa hiểu vì sao bị đánh. Anh khách kia rải một đường ke từ đầu đến cuối bàn rượu và đưa cho cô một tờ một trăm đô la đã được cuộn tròn. Anh ta bắt cô phải rít hết thì mới tha.
Dù biết không đủ sức, nhưng vì sợ chồng mình bị đánh chết, cô đành đưa mũi làm liều. Nào ngờ mới “đi” được nửa chặng đường, mắt cô đã trợn tròn và miệng há hốc, đoạn ngã gục xuống đất như con bửa củi.
Thân xác của cô hiện nằm trong phòng hồi sức cấp cứu, còn linh hồn thì không biết đang phiêu du ở thế giới nào.
“Giờ em chỉ mong nó (vợ hắn) tai qua nạn khỏi. Em xin thề là em sẽ hoàn lương, trở về với xã hội”. Cơ Trưởng ngậm ngùi, mắt đỏ hoe, chẳng biết do thức đêm nhiều hay do khóc.
***
Xem ra số thằng bạn tôi vẫn còn may mắn chán. Vợ nó không dẫn nó vào đời, không láo lếu với bố mẹ nó, càng không phải dân bay. Nhưng cô ta trẻ con, vô tâm, thích hưởng thụ và có máu Hoạn Thư. Ngay từ khi bạn tôi muốn cưới con bé, các anh em chiến hữu đã can ngăn, nhưng nó chẳng những không nghe mà còn chửi chúng tôi là bọn soi mói, lũ ghen ăn tức ở. Thôi được rồi, thích thì chiều, sau này sướng khổ gì cũng ráng mà tận hưởng.
Vợ nó hai mươi mốt, kém nó một tuổi. Cô ta xinh đẹp, da trắng như dùng sữa dưỡng thể, tóc đen như hấp dầu, môi đỏ như dùng son dưỡng môi, eo thon và ngực “khủng” như người mẫu. Từ ngày lấy cô tiểu thư cả đời chưa từng biết đến nghèo khó, bạn tôi phải cày cuốc từ sáng đến tối, bảy ngày trong tuần, để kiếm tiền đáp ứng cuộc sống mà cô ta nhận xét là “tạm được”. Đôi lúc chúng tôi tự hỏi không biết nó “tận hưởng” cô vợ trẻ đẹp vào lúc nào? Một thằng trong nhóm nhân dịp ngồi bàn nhậu, đã xuất khẩu thành thơ tặng nó: “Vợ người khuya sớm tảo tần, vợ tôi thức dậy lúc gần giữa trưa. Vợ người luộc cá xào dưa, vợ tôi chỉ biết mây mưa trên giường”.
Sau nửa năm tình son tưởng chết, thằng bạn tôi bắt đầu phát chán cô vợ tiểu thư chỉ biết đòi hỏi, không biết sẻ chia. Chẳng ai hiểu cho nỗi khổ đó, trừ chị sếp phòng của nó. Chị đã gần ba mươi nhưng diện mạo trẻ trung tươi tắn, vì mải lo cho sự nghiệp nên vẫn “đêm đêm liêu xiêu con đường nhỏ, cô đơn cùng với chị về”. Sau vài lần tâm sự, vài lần đón đưa, vài ánh mắt hớp hồn như muốn đốt cháy đêm đông, vài cái động chạm vô tình nhưng hữu ý… mối tình phi công trẻ – máy bay bà già chợt thành hình lúc nào chẳng hay.
Tất cả vẫn dừng lại ở “đường băng”, cho đến một ngày chị nổi hứng muốn “cất cánh”. Chị đề nghị nó đi công tác ba ngày hai đêm ở Đà Lạt cùng chị. Thằng bạn tôi nghe xong vừa sợ vừa mừng, sợ bị cô vợ thích ghen tuông phát hiện, mừng vì… cái gì thì ai cũng biết. Thế là nó triệu tập tất cả các anh em để hỏi ý kiến xem nên “cất cánh” hay “đòi lại cuống vé”. Không quá ba giây suy nghĩ, chúng tôi đồng thanh hô vang: “Cất cánh”.
Nó gói ghém đồ đạc, nhét thật kỹ hộp bao cao su dưới đáy túi. Nó nói dối vợ là đi công tác Đà Nẵng với cả phòng. Vợ nó có vẻ hoài nghi, nhưng cũng chỉ dặn dò: “Honey nhớ mua mực một nắng cho em”.
Ba ngày sau nó về, tâm trạng vô cùng mãn nguyện. Sực nhớ lời dặn của vợ, nó vội chạy ra chợ Bưởi mua một cân mực. Nào ngờ, cô vợ oái oăm của nó mới ngửi qua đã phán: “Đây không phải mực một nắng Đà Nẵng. Anh lừa dối em!!!”. Thế là một trận cãi nhau long trời lở đất, đinh tai nhức óc hàng xóm diễn ra suốt từ năm giờ chiều đến mười giờ đêm. Cuối cùng, như những đôi vợ chồng vẫn làm mỗi lần xích mích, bạn tôi xách nguyên cái balo vừa đi du lịch về, sang nhà tôi ngủ nhờ một đêm. “Mực nào mà chẳng là mực. Cũng là một cái nang với mười cái râu, vẽ chuyện!”. Nó lải nhải suốt đêm làm tôi không ngủ nổi.
Phải vất vả lắm tôi mới thuyết phục được thằng bạn làm lành với vợ nó. Đi về nhà được nửa tiếng, nó gọi lại cho tôi: “Ông ơi, vợ tôi nó có bầu rồi. Nó bảo chắc vì bị nghén nên thấy vị mực khác khác. Nó xin lỗi tôi ông ạ. May quá đi mất”.
***
Giờ nghỉ trưa kết thúc, tôi cùng thằng bạn trở lại phòng sản để xem tình hình thai phụ của vợ nó. “Nghe chuyện của hai thằng kia mà tôi thấm thía quá ông ơi. Từ nay xin chừa mấy vụ “công tác” kiểu này. Vợ mình vẫn là nhất, dù vô tâm dù ngốc nghếch nhưng vợ mình vẫn hơn”. Nó lau mồ hôi giữa mùa đông.
Nó còn nói thêm điều gì đó, nhưng tôi không để ý. Tôi đang mải suy nghĩ về thằng bạn học cùng khóa. Cái thằng đã cạnh tranh không biết mệt mỏi với tôi suốt sáu năm đại học, giờ tôi lại phải bon chen với hắn vị trí bác sĩ thực tập trong bệnh viện này nữa. “Hay là mình dụ hắn lấy vợ nhỉ?” Tôi trộm nghĩ. Hắn lấy vợ rồi sẽ phải sống khổ sở, sẽ không đủ sức đấu với tôi nữa.
Rút cuốn sổ trong túi áo ra, tôi viết nhanh dòng chữ: “Cách nhanh nhất để làm kẻ thù suy yếu là dụ chúng lấy vợ”.